Hội thảo Khoa học “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” năm 2020

30/12/2020

Khoa Khoa học Xã hội Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh kết hợp Ban Cơ Bản Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học về "Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế".

 

Sáng ngày 25/12/2020, tại hội trường B1-204, Khoa Khoa học Xã hội (UEH) đã kết hợp cùng với Ban Cơ bản (OU) đã tổ chức Hội thảo Khoa học “Xây dựng và Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” nhằm chia sẻ những những kết quả nghiên cứu và trao đổi học thuật giữa các giảng viên, các nhà nghiên cứu giữa hai trường về vấn đề xây dựng và hoàn thiện những giá trị văn hóa, con người nhằm phát huy ý chí, khát vọng và sức mạnh của văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

 

Tham dự Hội thảo này với sự góp mặt của các nhà nghiên cứu, các giảng viên của các trường đại học trên địa bàn TP.HCM với những hiểu biết rộng về thực tiễn đời sống xã hội ngày nay như: TS. Bùi Văn Mưa (Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM), TS. Trần Nguyên Ký (Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM), PGS TS. Nguyễn Ngọc Khá (Trường Đại học Sư phạm TP. HCM), Ths. Đỗ Lâm Hoàng Trang (Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM), TS. Dương Thị Ngọc Dung (Trường Đại học Mở TP. HCM), TS. Phan Thị Hà (Phân hiệu Trường Đại học Kinh tế TP. HCM tại tỉnh Vĩnh Long), TS. Thích Huệ Đạo (Đại đức Trị sự Chùa Nghệ Sĩ, Quận Gò Vấp, TP. HCM), TS. Phạm Thị Kiên (Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM) và sự có mặt của các nhà nghiên cứu, các giảng viên của các trường đại học khác trên địa bàn TP.HCM.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bùi Xuân Thanh - Trưởng Khoa Khoa học xã hội - UEH cho hay, Việt Nam đang hướng tới xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc nghiên cứu, thảo luận tìm ra những hướng đi này nhằm tạo ra một diễn đàn đủ chiều sâu, rộng mở về hiểu biết để các nhà nghiên cứu, các giảng viên từ các cơ sở đào tạo khác chia sẻ quan điểm đồng thời góp ý thực thi về vấn đề tất yếu này trong thời gian tới.

 

 

 


(Ảnh TS. Bùi Xuân Thanh ( Thứ nhất, bên phải)- Trưởng Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM)

Sau phần khai mạc, Hội thảo bước vào Phiên thứ nhất dưới sự điều hành của PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn, TS. Bùi Xuân Thanh và ThS. Tạ Thị Lan Anh với 2 tham luận: "Giữ gìn, phát huy bản sắc và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0" và "Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa với việc tổ chức và quản lý lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay".


(Chủ trì cuộc Hội thảo)

Mở đầu tham luận, là những chia sẻ nhiệt huyết từ TS. Bùi Văn Mưa - Phó trưởng Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, cho dù việc nhận diện, xây dựng lại hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam là một vấn đề phức tạp, khó khăn; nhưng dù khó khăn, phức tạp cũng phải sớm giải quyết để chúng ta có “bộ công cụ tinh thần” điều chỉnh quan hệ xã hội, uốn nắn hành vi con người trong bối cảnh thế giới phức tạp và thay đổi nhanh như hiện nay để định hướng đến tương lai tốt đẹp, nhằm đạt mục tiêu chung: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, Tiến sĩ Mưa cũng nêu lên những khó khăn mà Việt Nam đang đối mặt và đề cao phục hưng văn hóa dân tộc để giải quyết những mặt tối hiện nay trong xã hội. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Mưa còn nêu rõ vai trò to lớn của pháp luật và khuyến khích mọi người “lấy pháp luật làm lẽ sống” và cho thấy tầm quan trọng của các nhà lãnh đạo trong việc điều hành, giải quyết những khó khăn về văn hóa cho đất nước.

(Ảnh TS. Bùi Văn Mưa, Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM)

 

Cùng thảo luận về tham luận, TS. Trần Nguyên Ký, Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM đã bình luận về tham luận của của TS. Bùi Văn Mưa và đưa ra một số hướng nhìn khác về xây dựng giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ đổi mới - chiến lược cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

(Ảnh PGS. TS. Nguyễn Ngọc Khá, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM)

(Ảnh ThS. Đỗ Lâm Hoàng Trang bình luận, Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM )
Trong Phiên thảo luận thứ hai cũng đã diễn ra vô cùng sôi nổi với các tham luận: “Xây dựng văn hóa học đường trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính.” - TS. Dương Thị Ngọc Dung và tham luận “Đạo đức Phật giáo với việc giáo dục đạo đức con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”- TS. Thích Huệ Đạo và những phần bình luận của TS. Phan Thị Hà và TS. Phạm Thị Kiên. Mặc dù nhiều hướng đi và tầm nhìn đã được vạch ra giữa các nhà nghiên cứu, nhưng đâu đó vẫn len lỏi những khó khăn nhất định mà những nhà hoạch định không thể xuyên qua được.

Với những góc nhìn khách quan và sự đa dạng trong ánh nhìn về xã hội, các nhà nghiên cứu đều thừa nhận vai trò lớn lao của pháp luật trong việc điều hành và giải quyết những vấn đề văn hóa xã hội hiện nay, đồng thời khuyến khích, đề cao sự kết hợp nhiều hình thức giáo dục đi kèm để phụ trợ và làm cho xã hội, đặc biệt bộ phận học sinh, sinh viên có nền tảng tốt về văn hóa để dần thay đổi xã hội Việt Nam từ chính mỗi cá nhân.

(Ảnh TS. Dương Thị Ngọc Dung, Trường Đại học Mở TP. HCM, phát biểu tham luận về “Xây dựng văn hóa học đường trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính.”)

(Ảnh TS. Phan Thị Hà, phân hiệu Trường Đại học Kinh tế TP. HCM tại tỉnh Vĩnh Long bình luận)

(Ảnh TS. Thích Huệ Đạo, Đại đức Trị sự Chùa Nghệ Sĩ, Quận Gò Vấp, TP. HCM, chia sẻ tham luận về  “Đạo đức Phật giáo với việc giáo dục đạo đức con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”)

(Ảnh Toàn cảnh Hội thảo xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế)

Hội thảo kết thúc vào lúc 11h15 cùng ngày. Hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ, giải bày những quan điểm của những nhà nghiên cứu, những giảng viên đến từ các trường đại học trên địa bàn TP.HCM về vấn đề văn hóa xã hội, đồng thời cũng đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện nền văn hóa xã hội Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, những quan điểm, lý lẽ và góc nhìn từ các nhà nghiên cứu có thể được lưu lại và là những nguồn kiến thức, tư liệu khoa học quý giá góp phần làm mở mang kiến thức cho sinh viên.

 

Tin bài: Khoa Lý Luận Chính Trị - Ban Kỹ Thuật - Truyền Thông